0908 41 41 61
Dán tem QR code kiểm soát thực phẩm

Sau hơn 1 tháng thành phố triển khai thí điểm dán tem QR code lên các sản phẩm tại chợ Hàn, hoạt động này đã góp phần xây dựng văn minh thương mại, tăng niềm tin cho khách hàng.

in tem QR code

Ông Hoàng Cung Thượng Đức, Phó Ban Quản lý chợ Hàn cho biết, hơn 1 tháng qua, đơn vị đã tổ chức in và phát miễn phí 1 triệu tem QR code cho 76 lô hàng kinh doanh ngành hàng thực phẩm đã qua sơ chế, chế biến và đóng gói sẵn như: mắm, chả, nem, đồ thủy sản khô rim... được sản xuất trên địa bàn thành phố và cung ứng vào chợ Hàn.

Tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh này đều phải dán tem QR code lên bao bì đối với thực phẩm bán cho người tiêu dùng, trong đó có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng của sản phẩm cũng như những thông tin cơ bản về người chủ quầy hàng. Người kinh doanh phải quản lý và chịu trách nhiệm về tem dán trên sản phẩm của mình.

Để kiểm tra về sản phẩm, người tiêu dùng chỉ cần cài đặt ứng dụng quét mã vạch trên điện thoại di động và tiến hành quét mã vạch là xác định nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Thu Hà (khách du lịch đến từ Hà Nội) bày tỏ sự hài lòng khi nhiều mặt hàng được bày bán tại chợ Hàn đã được dán tem QR code.

“Tôi đến Đà Nẵng nhiều lần và thường xuyên mua các loại nem, chả, bánh trái tại chợ Hàn. Tôi thấy việc dán tem QR code khiến chúng tôi yên tâm hơn khi mua hàng vì có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng của sản phẩm. Chỉ cần sử dụng một chiếc điện thoại thông minh là có thể kiểm tra nguồn hàng được. Rất tiện lợi” bà Hà nói.

Hầu hết các tiểu thương được lựa chọn để triển khai thí điểm việc dán tem QR code ở chợ Hàn đều ủng hộ chủ trương của thành phố. Với gần 20 năm kinh doanh mặt hàng nem, chả tại chợ Hàn, bà Trần Thị Lệ Thu (chủ lô hàng 197) cho biết, việc dán tem QR code rất dễ dàng và thuận tiện, giúp tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Còn theo chị Phan Thị Kiều Trang, chủ lô hàng 33 chuyên kinh doanh các sản phẩm đặc sản của Đà Nẵng, đến nay hơn 100 mặt hàng tại quầy đều đã được dán tem QR code. “Từ lúc dán tem QR code, tôi cảm thấy tự tin hơn khi trao đổi với khách hàng về sản phẩm mình đang bày bán và cũng nhận được sự tin tưởng hơn từ các du khách. Bây giờ, khi mua hàng, họ chỉ chọn những sản phẩm có dán tem thay vì những mặt hàng trôi nổi khác”, chị Trang phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố cho biết, từ tháng 3-2018, UBND thành phố đã quyết định phê duyệt “Đề án triển khai thí điểm dán tem QR code kiểm soát đối với một số sản phẩm thực phẩm sản xuất trên địa bàn thành phố”.

Chợ Hàn là đơn vị đầu tiên được lựa chọn để triển khai thí điểm, bắt đầu từ tháng 10-2018. Trong giai đoạn 1, đề án sẽ tổ chức khảo sát hiện trạng, phân tích đánh giá, đề xuất giải pháp, xây dựng phần mềm quản lý mã QR Code, cơ sở dữ liệu quản lý và khai thác thông tin nhằm phục vụ việc truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại di động thông minh.

Việc triển khai thí điểm dán tem QR code với quy mô khoảng trên 1 triệu tem/năm áp dụng đối với thực phẩm đã qua sơ chế, chế biến sẵn như: mắm, chả, nem, đồ thủy sản khô rim... được sản xuất, chế biến trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và cung ứng vào chợ Hàn.

Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm tại chợ Hàn, đề án tiếp tục triển khai nhân rộng ở giai đoạn 2 đối với các chợ còn lại trên địa bàn thành phố trong những năm tiếp theo.

“Việc thực hiện đề án này là cần thiết nhằm nâng cao ý thức của người kinh doanh trong việc chịu trách nhiệm về nguồn hàng bán ra, đồng thời giúp người dân và du khách thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua mã QR code, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… Hoạt động đó cũng hướng đến  mục tiêu chung là xây dựng nền thương mại văn minh, hiện đại, nhất là tại các khu chợ truyền thống”, ông Nguyễn Hà Bắc cho hay.

Riêng tại chợ Hàn, dự kiến, sau việc thí điểm dán tem QR code ở 76 hộ kinh doanh, sang năm 2019 sẽ thực hiện ở tất cả 200 hộ kinh doanh ngành hàng thực phẩm đã qua sơ chế, chế biến tại chợ. Ở giai đoạn 2 này, Ban quản lý chợ sẽ hướng dẫn để các tiểu thương tự in tem.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Cung Thượng Đức, mặc dù nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các hộ kinh doanh, nhưng việc người mua thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa còn khó khăn do hệ thống wifi tại chợ yếu. Để việc truy xuất qua mã vạch trên tem QR code diễn ra thuận lợi hơn, Ban quản lý chợ Hàn cho rằng cần được hỗ trợ nhằm nâng cao tốc độ đường truyền của hệ thống wifi. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền cho các tiểu thương tại chợ chủ động hơn nữa trong giới thiệu và hướng dẫn khách hàng biết và sử dụng tiện ích này.

                                                                            Hoàng Linh - Báo Đà Nẵng

Khách hàng nói về chúng tôi,