Bộ tiêu chuẩn ESG
 0908 41 41 61
Bộ tiêu chuẩn ESG về môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp - hướng đi bền vững cho doanh nghiệp

Trong sự phát triển của nền kinh tế - xã hội hiện nay, cộng đồng ngày càng hiểu rõ hơn sự cần thiết của phát triển bền vững đối với nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. ESG đóng vai trò như “kim chỉ nam” giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức doanh nghiệp quản lý các rủi ro, cũng như cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Bài viết nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản về ESG, phân tích một số thành công và thất bại trong vấn đề ESG của các doanh nghiệp điển hình, từ đó gia tăng định hướng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình bắt kịp với xu thế mới của kinh tế toàn cầu.

Khái niệm ESG theo Sáng kiến báo cáo toàn cầu


Khái niệm về ESG ban đầu được đề cập trong một ấn phẩm của nhà kinh tế học Hoa Kỳ Howard Bowen vào năm 1953 dưới dạng CSR (Corporate Social Responsibility - trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh) và thuật ngữ ESG xuất hiện lần đầu vào năm 2003 trong một bản báo cáo của Liên hợp Quốc có tên “Who cares wins” (“Ai quan tâm chiến thắng”).

Trải qua gần 2 thập kỷ, ESG đã tiến hóa từ hệ thống báo cáo chuyên biệt đánh giá toàn cảnh bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp làm cơ sở cho các nhà đầu tư tài chính, trở thành một thuật ngữ chung để chỉ cách mà các nhà quản trị doanh nghiệp hay thương hiệu cân nhắc những tác động của doanh nghiệp và sản phẩm lên môi trường, xã hội và nhân sự của họ. Bộ tiêu chuẩn ESG bao gồm 3 nhóm tiêu chuẩn, cụ thể như sau:

E - Evironmental: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến các vấn đề về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, như: tác động từ biến đổi khí hậu và phát thải carbon, quản lý nước và chất thải gây ô nhiễm, khai thác tài nguyên từ rừng,…
S - Social: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến toàn xã hội, từ các vấn đề cơ bản như sự hài lòng của khách hàng đến những vấn đề có tính tổng thể như tính đa dạng, công bằng và hòa nhập, quyền riêng tư, an ninh và bảo mật dữ liệu, quan hệ cộng đồng,…

G - Governance: Nhóm tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động của tổ chức như vấn đề liên quan đến quản trị công ty, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,…

 
Theo số liệu từ báo cáo của Bloomberg Intelligence (BI), thực hành ESG đang ngày càng trở thành chiến lược chủ đạo, thậm chí là bắt buộc ở một số quốc gia khi đầu tư ESG năm 2020 vượt 35.000 tỷ USD. Dự báo, dòng tài sản có tích hợp các yếu tố ESG toàn cầu có thể vượt 41.000 tỷ USD năm 2022 và sẽ đạt 50.000 tỷ USD vào năm 2025.

Các chỉ số và báo cáo ESG của doanh nghiệp có tầm quan trọng lớn, là cơ sở cho việc lựa chọn của các nhà đầu tư tài chính, đối tác kinh doanh và là một công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường nhằm đáp ứng những kỳ vọng khách hàng trong xã hội hiện đại.

Áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG là xu thế hiện nay của các doanh nghiệp

- Yêu cầu từ phía người tiêu dùng:

Ngày nay, khi nhận thức về con người và môi trường ngày càng phát triển, người tiêu dùng trong xã hội hiện đại không chỉ đặt ra những yêu cầu về chất lượng, giá thành mà đồng thời còn đòi hỏi tính bền vững và thân thiện với môi trường trong từng sản phẩm. Ngoài ra nhiều người cũng quan tâm cả chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động và cộng đồng. Do vậy, bộ tiêu chuẩn ESG là xu hướng tất yếu buộc các doanh nghiệp phải áp dụng nhằm cạnh tranh, thu hút khách hàng.

Trong một báo cáo ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới “Tương lai tiêu dùng trong những thị trường tăng trưởng nhanh: ASEAN” được công bố vào tháng 6/2020 cho thấy 80% người tiêu dùng ở khu vực ASEAN quan tâm đến tính bền vững và đã thay đổi thói quen sống để trở nên thân thiện hơn với môi trường (Moore, 2022).

Số liệu mới nhất từ báo cáo Edelman Trust Barometer (2022) cho thấy cách doanh nghiệp đối xử nhân viên, nhà cung cấp đã và đang ảnh hưởng đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Theo đó, 1/3 người tiêu dùng đã ngừng sử dụng một nhãn hiệu mà họ nhận thấy không hành xử thích hợp trước khủng hoảng; 71% nói rằng nếu họ cảm nhận một nhãn hiệu đặt lợi nhuận lên trên con người thì sẽ không bao giờ tin nhãn hiệu đó nữa.

- Yêu cầu từ phía nhà đầu tư:

Chính kỳ vọng từ phía người tiêu dùng đã làm thay đổi cách tiếp cận đầu tư của các nhà đầu tư trong thời gian gần đây. Nghiên cứu bộ tiêu chuẩn ESG toàn cầu năm 2022 cho thấy ESG đang ngày càng trở thành một tiêu chí quan trọng trong mắt các nhà đầu tư thế giới. Tính đến năm 2022, đã có gần 90% tổ chức đầu tư cân nhắc tới ESG khi đưa ra quyết định đầu tư.

Biểu đồ dưới đây mô tả cụ thể lập trường về ESG của các nhà đầu tư tại các khu vực khác nhau trên thế giới. (Xem Biểu đồ)

Biểu đồ: Kết quả khảo sát sự quan tâm của tổ chức đến đầu tư ESG

ap dung ESG

Khi được hỏi về tầm quan trọng của ESG đối với tiếp cận đầu tư trong năm 2022, hơn 1/4 nhà đầu tư toàn cầu cho biết, ESG là “trọng tâm” trong cách tiếp cận đầu tư của họ (26% so với 28% vào năm 2021). Song, một tỷ lệ cao hơn đã bày tỏ ý kiến của họ về đầu tư ESG là "chấp nhận" (34% so với 32%) và "tuân thủ" (29% so với 24%).

Nhìn chung, châu Âu là khu vực dẫn đầu thế giới về đầu tư ESG với 93% (so với 79% ở Bắc Mỹ, 88% ở châu Á - Thái Bình Dương). Trong đó, 31% nhà đầu tư châu Âu đặt ESG là trọng tâm trong tiếp cận đầu tư của họ (so với 18% ở Bắc Mỹ, 22% ở châu Á - Thái Bình Dương). Điều này cho thấy thị trường đầu tư và khung pháp lý của châu Âu trưởng thành hơn. Ngược lại, khu vực Bắc Mỹ ít tin trưởng và áp dụng ESG nhất trong đầu tư.

Ngoài ra, ESG đang ngày càng khẳng định được chỗ đứng trong giới đầu tư khi nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ 13% nhà đầu tư toàn cầu đồng ý rằng ESG là một phong trào nhất thời và ngắn hạn. Điều này cho thấy hầu hết các nhà đầu tư xem ESG như một xu hướng tất yếu trong bối cảnh đầu tư dài hạn.

Những cơ hội và thách thức khi doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn ESG

- Cơ hội: McKinsey & Company (2019) đã phân tích 5 giá trị mà ESG có thể tạo ra cho doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Tăng trưởng thị phần (Top-line Growth): ESG giúp củng cố thị phần tại các thị trường hiện tại và gia tăng mở rộng thị phần tại các thị trường mới, qua việc thu hút được nhiều khách hàng cá nhân và tổ chức hơn với các sản phẩm bền vững. Ngoài ra, việc áp dụng ESG cũng giúp doanh nghiệp tạo lập được một mạng lưới gắn kết với các bên liên quan trong cộng đồng, từ đó hỗ trợ việc khai thác các nguồn lực dễ dàng.
Giảm chi phí (Cost Reduction): áp dụng ESG giúp giảm chi phí vận hành (chi phí nguyên vật liệu, chi phí năng lượng, nước,...). Ví dụ, doanh nghiệp chuyển phát nhanh FedEx đặt mục tiêu sẽ chuyển đổi toàn bộ 35000 xe sang xe điện hoặc máy hybrid, tới nay công ty đã tiến hành chuyển đổi được khoảng 20% lượng xe, theo đó đã giảm lượng chi phí nguyên liệu thụ đến hơn 50 triệu gallon (khoảng 190 triệu lít).
Giảm áp lực về pháp lý (Regulatory and Legal Intervention): ESG giúp doanh nghiệp có thể tự do hơn trong việc đưa ra và thực hiện các chiến lược mà không lo gặp phải rủi ro về pháp lý và áp lực từ phía chính phủ. Thậm chí các doanh nghiệp còn nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ của chính phủ.
Nâng cao năng suất (Productivity uplift): ESG tạo ra một môi trường làm việc công bằng, an toàn, minh bạch, giúp các công ty thu hút và giữ chân nhân viên chất lượng, nâng cao động lực của nhân viên và từ đó nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc của nhân viên.
Đầu tư và tối ưu hóa tài sản (Investment and asset optimization): ESG có thể nâng cao lợi tức đầu tư bằng cách phân bổ vốn cho các cơ hội hứa hẹn và bền vững hơn (ví dụ: năng lượng tái tạo, giảm thiểu chất thải và máy lọc khí). ESG cũng có thể giúp các công ty tránh được các khoản đầu tư rủi ro trong dài hạn bởi các vấn đề môi trường (ví dụ: tàu chở dầu…).


- Thách thức: Đi đôi với các cơ hội, ESG cũng mang tới nhiều thách thức cho các doanh nghiệp. Theo nghiên cứu ESG toàn cầu, dưới đây là các thách thức đang cản trở việc áp dụng tiêu chuẩn ESG của công ty:

Thiếu dữ liệu về ESG (Lack of robust data): Vấn đề khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp gặp phải là thu thập và đo lường các dữ liệu liên quan tới ESG.
Lo lắng về hiệu suất và lợi nhuận (Concern about performance and sacrificing returns): Đây là rào cản lớn thứ hai với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, yếu tố này đang có xu hướng giảm mạnh do nhà đầu tư đang dần coi lợi tức đầu tư và sự phát triển bền vững đều cùng có lợi.
Lo ngại về xu hướng “Quảng cáo xanh” (Concerns over greenwashing): “Quảng cáo xanh, nhuộm xanh hay tẩy xanh” (Greenwashing) là quá trình truyền đạt một ấn tượng sai lệch hoặc cung cấp thông tin sai lệch để đánh bóng thương hiệu, là những tuyên bố vô căn cứ để đánh lừa người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm của công ty là thân thiện với môi trường. Đây là rào cản thứ 3 và đang có xu hướng tăng lớn (từ 22% lên 30% năm 2022). Như vậy, ngày càng nhiều các nhà đầu tư lo ngại về vấn đề greenwashing dần trở nên phổ biến và các nhà quản lý có thể lợi dụng ESG như một công cụ tiếp thị và truyền thông.
Ba rào cản này mang tới thử thách lớn hơn cho các nhà đầu tư Bắc Mỹ so với các khu vực khác. Điều này giúp giải thích tại sao các nhà đầu tư Bắc Mỹ ít tin tưởng nhất vào ESG và tại sao khu vực này có tỷ lệ áp dụng ESG thấp nhất.

Một vài rào cản khác bao gồm: Hệ thống quy định phức tạp, khó hiểu và chưa đồng nhất; Sản phẩm/chiến lược của doanh nghiệp không phù hợp; Bản chất của ngành tập trung đầu tư ngắn hạn;...

Một số ví dụ doanh nghiệp tiêu biểu áp dụng các tiêu chuẩn ESG trên thế giới

Tập đoàn toàn cầu Lenovo, chuyên sản xuất máy tính và linh kiện điện tử (Lenovo ESG FY2021-2022 Report)


Lenovo bắt đầu áp dụng chuẩn mực ESG vào năm 2009. Các sáng kiến ESG của Công ty bao gồm các hoạt động trực tiếp và gián tiếp hỗ trợ Mục tiêu Phát triển Bền vững của UN (SDG).

Trong cuộc phỏng vấn giữa Forbes và Giám đốc điều hành Lenovo khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kiêm Tổng giám đốc Lenovo khu vực Trung Á (Forbes, 2022) cho biết:

Về môi trường:

Lenovo đã ưu tiên thực thi nhiều chính sách nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường. Những nỗ lực bảo vệ môi trường (sử dụng các vật liệu đóng gói thân thiện môi trường, đổi mới quy trình hàn nhiệt độ thấp trong các nhà máy chế tạo bảng mạch,...) được triển khai suốt nhiều năm qua trên toàn chu trình từ vật liệu đầu vào, sản xuất cho đến vận chuyển và dịch vụ khi kết thúc vòng đời sản phẩm. Nhờ đó, năm 2021, Lenovo vượt mục tiêu, giảm được 40% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2010.
Về xã hội:
Thực hiện nhiều khảo sát về phương hướng của Công ty: 83% khách hàng mong muốn có nhà cung ứng đáp ứng được tiêu chuẩn ESG. Trong một cuộc khảo sát khác, 86% nhân viên cho biết họ thích làm việc với công ty có tầm nhìn ESG rõ ràng. (Forbes, 2022)
Lenovo đã thành công đạt mục tiêu hỗ trợ hơn 1 triệu người thông qua các hoạt động từ thiện và tình nguyện trên toàn cầu.
Lenovo quyết tâm đảm bảo rằng các điều kiện làm việc tại các địa điểm của công ty là an toàn; công nhân được đối xử một cách tôn trọng; hoạt động là thân thiện với môi trường; và hoạt động kinh doanh là được tiến hành một cách có trách nhiệm và có đạo đức.
Có những chiến dịch quảng bá để cộng đồng hiểu hơn về ESG, khuyến khích doanh nghiệp chú trọng chiến lược ESG, không chỉ trong quan hệ đối tác với Lenovo mà còn nhiều đối tác khác có cùng mối quan tâm. (Forbes)
Về Quản trị:
Lenovo nằm trong Top 100 tập đoàn toàn cầu bền vững nhất của Corporate Knights Global 100, đồng thời các tổ chức Gartner và CDP công nhận về sự xuất sắc và bền vững trong chuỗi cung ứng.

- Tiềm năng khi áp dụng ESG:

Dựa trên những thành tựu Công ty có thể đạt được qua việc áp dụng ESG, MSCI đã nâng xếp hạng ESG của Lenovo từ A (2021) lên AA (2022). Với tư cách là Công ty dẫn đầu ngành, Công ty sẽ được hưởng lợi từ dòng tiền toàn cầu đầu tư vào các khoản đầu tư ESG.

Nhìn vào thị trường của Lenovo, yêu cầu pháp lý đối với việc công bố minh bạch các thành tích ESG được nhà đầu tư quan tâm hơn trong tương lai. Điều này sẽ làm tăng thêm dòng vốn, đặc biệt là vào các cổ phiếu ESG của Trung Quốc. Báo cáo trích lời Amar Gill, người đứng đầu bộ phận quản lý đầu tư ở Châu Á - Thái Bình Dương tại BlackRock, nói rằng khách hàng của ông có kế hoạch tăng gấp đôi khoản đầu tư vào cổ phiếu ESG. Với các báo cáo hàng năm mà Lenovo đã công bố, Công ty đang ở một vị trí hấp dẫn để thu hút thêm các khoản đầu tư.

- Mục tiêu tương lai:

Về môi trường: Vào tháng 6 năm 2020, mục tiêu 2030 đã được phê duyệt bởi tổ chức Sáng kiến Mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học (SBTi) nhằm đạt mức cắt giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính và hướng đến trung hòa carbon vào năm 2050.

Về xã hội: đến năm 2025, các chương trình thiện nguyện sẽ tác động trực tiếp đến 15 triệu cá nhân trên khắp thế giới

Về quản trị: đến năm 2025, tăng cường giám sát điều hành, hiểu biết các rủi ro và các chương trình ESG, đào tạo về đạo đức và tuân thủ cũng như nâng cao năng lực quản lý và trách nhiệm trong các chương trình riêng tư.

Hãng xe Volkswagen

Vụ bê bối gian lận khí thải vào năm 2015 của Volkswagen là một trong những ví dụ điển hình về quản lý rủi ro ESG và những hậu quả mà Công ty có thể phải đối mặt. Hãng xe này đã bị Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) phát hiện hành vi vi phạm Đạo luật Không khí sạch khi công ty sử dụng phần mềm gian lận nhằm thay đổi kết quả kiểm định hệ thống phát thải của 11 triệu xe ô tô. Phần mềm này giúp các xe chạy diesel của Volkswagen vượt qua các cuộc kiểm tra khí thải, trong khi mức phát thải thực tế cao gấp 10 - 40 lần tiêu chuẩn cho phép.

Volkswagen sau đó đã phải đối mặt với vô số các vụ kiện từ đối tác và các bên liên quan. Công ty đã phải nhận mức phạt lên đến hơn 40 tỷ USD - mức phạt lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô và giá cổ phiếu của Volkswagen đã giảm gần 30%, khiến cho giá trị vốn hóa bị bay hơi hết 30 tỷ euro chỉ trong 2 ngày với danh tiếng bị thiệt hại nặng nề. (Vnexpress ,11/2022). Với việc Volkswagen thu hồi hàng triệu ô tô trên toàn thế giới, hãng đã dành ra 6,7 tỷ euro để bồi thường, đã dẫn đến việc Công ty công bố khoản lỗ hàng quý đầu tiên trong 15 năm là 2,5 tỷ euro vào cuối tháng 10/2015 (BBC, 2015). Vụ bê bối này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Volkswagen trong mắt đối tác và người tiêu dùng.

Theo một cuộc khảo sát trực tuyến gần đây của AutoPacific với khoảng 500 chủ sở hữu phương tiện, chỉ có 2/10 số người được hỏi có thiện cảm với nhà sản xuất ô tô này, 7/10 người cho biết có thiện cảm với thương hiệu trước khi vụ bê bối xẩy ra. Khoảng 64% chủ sở hữu phương tiện cho biết họ không còn tin tưởng Volkswagen nữa. Ngoài ra, một cuộc khảo sát trực tuyến của Kelley Blue Book cho thấy số lượng chủ sở hữu xe ô tô động cơ diesel của Volkswagen quan tâm đến việc kinh doanh phương tiện của họ đã tăng 79% trong tuần sau khi vụ bê bối được tiết lộ. (Usatoday, 10/2015).

“Vụ bê bối của Volkswagen cho thấy sự thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực ô tô.  Từ đó cũng cho thấy tầm quan trọng của việc cân nhắc ESG khi đưa ra quyết định đầu tư. Các nhà đầu tư không còn có thể bỏ qua các rủi ro và cơ hội ESG” - Tim Crockford, trưởng phòng vốn chủ sở hữu của Quản lý đầu tư Hermes.

Vụ bê bối nêu bật những rủi ro về uy tín và tài chính của việc thực hiện ESG kém, đồng thời là lời cảnh báo đối với các công ty không ưu tiên xem xét ESG.

Một số định hướng cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam

Nhà đầu tư có thể đánh giá công ty thông qua báo cáo ESG được công bố định kỳ của doanh nghiệp. Báo cáo ESG là văn bản công khai tiến độ đáp ứng các mục tiêu và cam kết của tổ chức về các khía cạnh môi trường, xã hội và quản trị của doanh nghiệp. Các báo cáo này thường được thực hiện hàng năm, bao gồm thông tin chi tiết về các chỉ số ESG khác nhau được sử dụng để đo lường hiệu suất trong ba lĩnh vực đó theo cả cách định lượng và định tính. Ngoài ra, báo cáo cũng liệt kê các mục tiêu dài hạn của chiến lược ESG của công ty và cập nhật các thành tựu quan trọng. Báo cáo ESG hiện rất phổ biến, theo số liệu của McKinsey&Company, năm 2021, hơn 90% doanh nghiệp S&P 500 và khoảng 70% doanh nghiệp Russell 1000 hiện công bố báo cáo ESG dưới một số hình thức khác nhau.

Hiện tại chưa có một khuôn khổ (framework) thống nhất nào hướng dẫn cho việc báo cáo ESG, bởi mỗi doanh nghiệp có bối cảnh và tính chất khác nhau, dẫn tới việc xây dựng một khuôn khổ chung là phức tạp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu một số khuôn khổ đánh giá ESG nổi bật sau:

Tiêu chuẩn SASB (SASB Standards): Được phát triển bởi Ủy ban Tiêu chuẩn Kế toán Bền vững (Sustainability Accounting Standards Board) và được phát hành vào năm 2018. Hệ thống tiêu chuẩn này đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng giúp doanh nghiệp đánh giá và công bố các thông tin về ESG bền vững của tổng 77 ngành.
Khuôn khổ CDSB (CDSB Framework): Khuôn khổ này được phát triển bởi Ủy ban Tiêu chuẩn Công bố Khí hậu (Climate Disclosure Standards Board) nhằm hỗ trợ việc đưa báo cáo ESG vào các báo cáo chính thống của công ty. Ban đầu, khuôn khổ chỉ tập trung các tiêu chuẩn liên quan tới biến đổi khí hậu, tới năm 2022 đã cập nhật thêm tiêu chuẩn về xã hội.
Tiêu chuẩn IFRS (IFRS Sustainability Disclosure Standards): Sự kết hợp của SASB và CDSB. Tiêu chuẩn IFRS hướng tới tạo ra một bộ tiêu chuẩn công bố thống nhất có thể được sử dụng trên toàn cầu để báo cáo dữ liệu ESG cho các nhà đầu tư. Đây được coi là công cụ tương lai của báo cáo ESG toàn cầu.

                                                                                                                                                   Theo tapchicongthuong.vn


Khách hàng nói về chúng tôi,